Vào 7h sáng mai (14/7), tức 1 ngày trước trận chung kết Copa America 2024 , sẽ diễn ra trận tranh hạng ba giữa Canada và Uruguay. Nếu giành chiến thắng, đây có thể coi là chiến tích lớn của bóng đá Canada bởi nó được thực hiện bên ngoài khu vực CONCACAF vốn không được đánh giá cao.
Việc tổ chức các trận tranh hạng ba là thông lệ thường thấy ở các giải đấu quốc tế. World Cup là một ví dụ, với mục đích mang đến phần thưởng an ủi cho hai đội không thể vào chung kết. Đồng thời, việc có thêm một trận đấu cũng đem lại lợi ích thương mại cho các nhà tổ chức.
Tuy nhiên tại EURO 2024 , 1 ngày trước trận chung kết giữa Anh và Tây Ban Nha tại Olympiastadion, Berlin, hai đội thua ở bán kết là Pháp và Hà Lan đã về nước. Đơn giản vì không có trận tranh hạng ba nào được tổ chức. Giải vô địch châu Âu trên đất Đức chỉ có tổng cộng 51 trận đấu, không phải 52.
Trận tranh hạng ba giữa Tiệp Khắc (cũ) và Italia ở EURO 1980.
Theo giải thích từ UEFA, quyết định bãi bỏ trận tranh hạng ba chỉ bắt đầu từ EURO 1984. Trước đó ở 6 kỳ đầu tiên, trận đấu này vẫn được tổ chức. Những đội từng giành hạng ba gồm Tiệp Khắc (cũ), Hungary, Anh, Bỉ, Hà Lan và một lần nữa là Tiệp Khắc (cũ).
Thế nhưng chứng kiến trận đấu tẻ nhạt giữa Tiệp Khắc (cũ) và Italia ở EURO 1980, khi hai đội hòa 1-1 với thắng thua chỉ phân định ở loạt luân lưu thứ 9, cơ quan quản lý bóng đá châu Âu đã xem xét lại. Việc các đội không mặn mà cùng lượng khán giả tụt giảm khủng khiếp càng củng cố ý định bỏ trận đấu.
Năm 1980, chỉ có hơn 24 ngàn khán giả tới Stadio San Paolo để xem Italia đấu với Tiệp Khắc (cũ), giảm gần một nửa so với các trận trước đó của chủ nhà. EURO 1976 còn thảm hơn, với chưa đầy 7 nghìn người tham dự trận tranh hạng ba, trong khi lượng khán giả bình quân mỗi trận lên tới 26,5 nghìn.
Canada và Uruguay sẽ chơi trận tranh hạng ba Copa America 2024.
Vì vậy, đã không còn trận tương tự được tổ chức ở các kỳ EURO tiếp theo, bắt đầu từ EURO 1984 đến nay. Hai đội thua ở bán kết xếp đồng hạng ba. Họ thậm chí còn nhận được huy chương Đồng tại EURO 2008 và EURO 2012. Nhưng sau đó, UEFA cũng bỏ luôn không trao huy chương. Các đội về nước và lĩnh tiền theo thành tích đã đạt được.
Trở lại với Copa America, giải vô địch Nam Mỹ lại ngược với EURO. Trong quá khứ, hai đội thua bán kết sẽ đồng hạng ba thay vì chơi trận đấu phân hạng. Đến năm 1987 trận đấu mới được tổ chức, nhưng lại bị hủy ở hai kỳ tiếp theo. Kể từ năm 1993 tới nay trận tranh hạng ba mới diễn ra thường kỳ, để lần này Canada có cơ hội làm nên lịch sử. Uruguay thì không hào hứng lắm. Họ đã 15 lần vô địch Copa America (nhất nhất, ngang Argentina), về nhì 6 lần và đang sở hữu kỷ lục 9 lần giành hạng ba.
Nhân tiện, CAN Cup (giải vô địch châu Phi) cũng có trận tranh hạng ba nhưng Asian Cup (giải vô địch châu Á) thì không. Sau 12 lần tổ chức, bắt đầu từ Asian Cup 2019 đến nay, hai đội dừng bước trước chung kết sẽ ra về với danh vị đồng hạng ba.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)