Sân vận động Hà Đông hình thành từ năm 1985, đến năm 1995 mới được đưa vào sử dụng. Trong thời gian qua, nhiều thông tin cho rằng, sân Hàng Đông được 1 đội bóng tại Hà Nội chọn làm sân nhà ở V-League 2024/25.
Sân này có thời gian hoàn thiện rất lâu. Năm 2002 đường pitch mới được xây dựng và đến năm 2004 có thêm bậc xếp chữ trên khán đài B.
Hiện tại 4 góc sân chưa được lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Vì vậy rất khó để tổ chức các giải thể thao vào chiều muộn hoặc buổi tối, đặc biệt là bóng đá.
Thiết kế sân vận động với 2 khán đài A-B, sức chứa ở mức 3.000 chỗ ngồi, trong đó chỉ lắp đặt 240 ghế ở khán đài A, còn lại là những bậc bê tông. Với 3.000 chỗ ngồi trên sân Hà Đông chưa đủ đáp ứng được tiêu chuẩn mà điều lệ giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã quy định.
Ông Nguyễn Danh Thanh - Phó BQL SVĐ Hà Đông cho biết, hệ thống thoát nước của sân tốt, không xảy ra tình trạng úng nghập.
Đường pitch của sân đủ điều kiện thi đấu các giải chạy phong trào. Đại diện sân vận động Hà Đông cũng xác nhận, cho tới thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ một CLB V-League nào đặt vấn đề về việc sử dụng sân cho mùa giải năm sau.
Hệ thống camera giám sát toàn bộ sân cùng hệ thống loa phát thanh đã được lắp đặt trong những năm gần đây.
Ông Thanh cũng cho biết, màn điện tử hiện đang lỗi, sẽ được khắc phục sớm trong thời gian tới.
Hệ thống phòng cháy chữa cháy vừa được nâng cấp trong thời gian qua.
Hiện tại, sân vận động Hà Đông là nơi tập luyện của các VĐV đội điền kinh thuộc Trung tâm Thể thao Hà Nội, đội bóng đá nữ Hà Nội, tuyển U13 đến U17. Trong ảnh, khu vực ghế ngồi của ban huấn luyện và cầu thủ.
Mặt cỏ trên sân chưa đạt chất lượng tốt nhất vì trong thời gian này tuyển bóng đá nữ Hà Nội cùng các đội U13 đến U17 kín lịch tập luyện. Nếu duy tu, bảo dưỡng mặt cỏ cần có thời gian khoảng 10 ngày.
Khu vực khán đài C (hiện chưa có khán đài) có thể mở rộng xây mới. Khi kết hợp với việc mở rộng khán đài A -B thì sân có thể đón 10.000 khán giả.
Hiện tại, 3 CLB bóng đá là Hà Nội FC, Công an Hà Nội, Thể Công Viettel cùng sử dụng sân vận động Hàng Đẫy tại V.League 2023-2024.
Trong tháng 7/2024, đại diện của 3 đơn vị trên sẽ có buổi gặp mặt chia sẻ quan điểm với Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Việc quyết định đội bóng nào sẽ phải chia tay sân Hàng Đẫy phụ thuộc vào thẩm quyền của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội.
Theo quy định của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), tại giải chuyên nghiệp quốc gia, một sân vận động chỉ cho phép tối đa 2 đội bóng sử dụng. Do vậy, ở mùa giải kế tiếp, một trong 3 đội sẽ phải rời sân Hàng Đẫy.
Điều lệ giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam theo khoản 20.3, điều 20 - Sân thi đấu và các hạng mục cơ sở vật chất liên quan có ghi: "Sân thi đấu CLB đăng ký phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại các Điều 11 và Điều 51 của Quy chế BĐCN hiện hành và các quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan của Công ty VPF".
Điều 11: Cơ sở vật chất, theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp (sửa đổi, bổ sung năm 2023) có ghi: "Mỗi câu lạc bộ phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một sân vận động trong thời gian thi đấu giải, đảm bảo an toàn về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết cấu, đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 51 Quy chế này.
Sân vận động phải có khán đài có sức chứa tối thiểu là 10.000 khán giả đối với câu lạc bộ ngoại hạng; 4.000 khán giả đối với câu lạc bộ hạng nhất". Như vậy với sức chứa chỉ dao động từ 3.000 đến 5.000 chỗ ngồi, sân Hà Đông chưa thể đáp ứng.
Điều 51 cũng tiếp tục đưa ra những khoản gồm: "Toàn bộ khu vực khán đài A và khán đài B của sân vận động phải được lắp đặt ghế ngồi đầy đủ và có mái che (khoản h); Câu lạc bộ tham gia giải Vô địch quốc gia phải có hệ thống đèn chiếu sáng tối thiểu 900 lux, đến năm 2023 tối thiểu là 1.200 lux; nguồn cung cấp điện ổn định và phải có nguồn dự phòng để phục vụ thi đấu (khoản k).
Theo Phạm Hải (VietNamNet)