Olympic Paris có thực sự phỉ báng tôn giáo?

FED

Well-known member
Bài đăng
8,415
Lượt thích
2
Fcoin
13.76FC
Trong buổi họp báo vào ngày 28/7, người phát ngôn của Olympic Paris , bà Anne Descamps, thay mặt tổ chức gửi lời xin lỗi giữa những tranh cãi liên quan đến tiết mục trình diễn thời trang trong sự kiện khai mạc Thế vận hội mùa hè 2024 ở thủ đô Paris của Pháp vào tối 26/7 (giờ địa phương).

Bà Descamps khẳng định ban tổ chức không bao giờ có ý định thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bất kỳ nhóm tôn giáo nào, ngược lại ý nghĩa của tiết mục là tôn vinh sự khoan dung của con người. Dẫu vậy, đại diện Olympic Paris vẫn muốn xin lỗi những người cảm thấy khó chịu với tiết mục.

Trước đó, màn trình diễn có sự tham gia của các Drag Queen (nghệ sĩ giả gái) gây phẫn nộ trên toàn thế giới với cáo buộc báng bổ đạo Thiên Chúa. Không chỉ khán giả bình thường, ngay cả những người có tầm ảnh hưởng như tỷ phú Elon Musk, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italy Matteo Salvini cũng như các chức sắc Công giáo... đều lên tiếng chỉ trích ban tổ chức Olympic Paris, cho rằng đó là sự xúc phạm nặng nề đến đức tin của hơn 2 tỷ người theo đạo trên thế giới.

Tiết mục gây phẫn nộ

Theo Daily Mail , màn trình diễn diễn ra trên cây cầu bắc qua sông Seine, có sự góp mặt của những người mẫu , vũ công, biểu tượng thời trang và Drag Queen đến từ quốc gia chủ nhà. Mọi người tập trung quanh chiếc bàn dài, đồng thời là sàn catwalk. Trong lúc dàn người mẫu trình diễn những bộ sưu tập của các nhà thiết kế trẻ triển vọng, những người ngồi hai bên thực hiện những động tác lắc lư cơ thể theo điệu nhạc.

6-7361-1722246121035-17222461214381342817369.jpg

Màn trình diễn gây tranh cãi tại lễ khai mạc Olympic Paris. Ảnh: X.

Đứng ở vị trí trung tâm là một phụ nữ ngoại cỡ mặc váy xanh lộng lẫy, đội mũ miện lớn màu bạc trông giống như vầng hào quang. Hai bên cô là các Drag Queen, gồm những cái tên nổi tiếng là Nicky Doll, thí sinh mùa thứ mười hai của RuPaul's Drag Race kiêm dẫn chương trình chính của Drag Race France , cùng Paloma và Piche.

Để tăng thêm kịch tính, sân khấu còn có sự xuất hiện của một người đàn ông gần như khỏa thân, được sơn xanh toàn thân và nằm trên chiếc khay đựng đồ ăn khổng lồ. Người này là nam ca sĩ kiêm diễn viên Pháp Phillippe Katerine. Ban tổ chức cho biết Katerine hóa thân thành Dionysus, vị thần rượu vang, lễ hội và sân khấu của Hy Lạp, nhằm mục đích hướng người xem nhận thức rõ ràng hơn về sự phi lý của bạo lực giữa con người với nhau.

Tuy nhiên, phần lớn người xem không cảm thấy vậy. Họ cảm thấy nhóm nghệ sĩ đang chế giễu Thiên Chúa giáo vì có vẻ như tiết mục cải biên từ The Last Supper ( Bữa ăn tối cuối cùng hay Bữa tiệc ly ), bức tranh nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci mô tả bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus với các tông đồ trước khi bị đóng đinh.

Trong mắt nhiều người, người phụ nữ ngoại cỡ là hiện thân của Chúa Jesus bởi mũ miễn trên đầu cô gợi nhớ đến vầng hào quang thường dùng trong các bức tranh về Chúa Jesus, còn những Drag Queen thay mặt cho các tông đồ của Chúa.

“Thật điên rồ. Mở đầu sự kiện bằng cách thay thế Chúa Jesus và các tông đồ trong The Last Supper bằng những người đàn ông giả gái. Có 2,4 tỷ người theo đạo Thiên chúa trên Trái đất và rõ ràng Thế vận hội muốn tuyên bố ngay từ đầu là họ không được chào đón”, Clint Russel, người dẫn chương trình podcast Liberty Lockdown , bày tỏ sự bức xúc trên X.

7-8213-1722246122151-17222461235231727237292.jpg

Nhiều người tin rằng tiết mục tại lễ khai mạc là phiên bản châm biến bức The Last Supper. Ảnh: X.

Không lâu sau, Hội đồng Giám mục Pháp đưa ra tuyên bố: “Thật không may khi buổi lễ có những cảnh chế giễu và báng bổ Kitô giáo. Chúng tôi vô cùng lên án điều này”.

Cây viết Glenn Harlan Reynolds của New York Post thậm chí nâng cao quan điểm hơn khi tuyên bố: “Thảm họa The Last Supper của Thế vận hội là nỗ lực mới nhất nhằm hạ bệ văn hóa phương Tây”.

Tương tự, nhà bình luận nổi tiếng người Mỹ Eric S. Raymond cho rằng những gì diễn ra tại lễ khai mạc Olympic Paris không đơn giản là chống lại Cơ Đốc giáo, mà sự chà đạp lên mọi giá trị và ý nghĩa cuộc sống để ủng hộ sự tự luyến sa đọa.

Olympic Paris có thực sự muốn hạ bệ đạo Thiên chúa?

Giữa làn sóng phẫn nộ nhắm vào ban tổ chức Olympic Paris, một giả thuyết mới được nêu ra để lý giải cho mục đích thực sự của màn trình diễn kỳ lạ này, trong đó bác bỏ mối liên hệ của tiết mục và bức tranh kinh điển của Leonardo da Vinci.

Mục sư Benjamin Cremer, sống tại Mỹ, đã chia sẻ lại bài đăng từ nữ đồng nghiệp Cassie Noland Rapko, với nội dung tiết mục tại lễ khai mạc Olympic Paris không phải về The Last Supper, thay vào đó tái hiện Lễ hội Dionysus. Ý tưởng này căn cứ sự tương đồng giữa văn hóa Pháp và Hy Lạp. Olympic bắt nguồn từ văn hóa và truyền thống Hy Lạp, còn văn hóa Pháp có nguồn gốc sâu xa từ tiệc tùng, lễ hội và nghệ thuật biểu diễn.

Ông Cremer cho rằng tiết mục gây tranh cãi giống với bức tranh The Feast of the Gods (Lễ hội của các vị thần, 1635) của Jan Harmensz van hơn. Bức tranh mô tả các vị thần Olympia đang tổ chức lễ cưới cho Thetis và Peleus. Người ngồi ở giữa là thần Apollo, không phải Chúa Jesus như những lời chỉ trích, và thần Dionysus nhảy múa phía trước.

2-6446-1722246124146-17222461243411170568758.jpg

Bức tranh The Feast of the Gods của Jan Harmensz van. Ảnh: X.

Trong khi đó, tài khoản Taylor Driskill Pafford chia sẻ những bữa tiệc mô tả trong tranh thời Phục hưng có ảnh hưởng nhiều từ Hy Lạp, nên không khó hiểu khi có sự tương đồng.

“Nó có thể trông giống như bữa tiệc của Dionysus và cũng có thể gợi nhớ đến The Last Supper . Đó là bởi vì trong thời kỳ Phục hưng, nhiều bức tranh mô tả một bữa tiệc thường bao gồm một chiếc bàn với những người ngồi ở một bên (có thể một vài người ở hai đầu bàn) và họ ngồi hoặc đứng ở các vị trí khác nhau”, bà Pafford viết.

Ý kiến này nhận được sự tán đồng từ lượng lớn cư dân mạng: “Cảm ơn. Tôi không hề nghĩ họ cố tình chế nhạo The Last Supper , nhưng nhiều người lại nói như vậy”, “Cuối cùng cũng có một tiếng nói lý trí”, “Bữa tiệc này trông vui vẻ hơn nhiều so với The Last Supper ”...

3-2965-1722246125227-172224612609691429542.jpg

Một ví dụ khác cho thấy không chỉ The Last Supper có cảnh tiệc tùng quanh bàn. Ảnh: X.

Trước đó, Thomas Jolly, giám đốc nghệ thuật của lễ khai mạc, đã khẳng định ý tưởng cho tiết mục của các Drag Queen không đến từ bức tranh nổi tiếng của Leonardo da Vinci, cũng không hề có ý xúc phạm đến bất kỳ ai, mà chỉ muốn truyền đi thông điệp về sự hòa nhập, đa dạng.

Barbara Butch, người phụ nữ ngoại cỡ trong tiết mục tại lễ khai mạc, ngoài đời là DJ kiêm nhà sản xuất, cũng khẳng định trên trang cá nhân rằng không có ý nghĩa xấu xa nào trong màn hóa thân của cô. Theo cô Butch, màn trình diễn được tạo ra để tôn vinh tình yêu, sự hòa nhập, sự đa dạng thông qua âm nhạc và nhảy múa, từ đó đoàn kết mọi người với nhau.

Ngoài ra, Barbara Butch tiết lộ chiếc vương miện mà cô đội thực chất là một chiếc tai nghe được cách điệu, do nghệ sĩ Flavio Juan Nunez và nhà thiết kế Laurent Tijou sáng tạo ra. Sản phẩm được chế tác từ da mạ crom bạc tự nhiên, gỗ và pha lê Swarovski.

4-8894-1722246126657-17222461268921211073873.jpg

Barbara Butch chia sẻ ảnh hậu trường của tiết mục gây tranh cãi.

Theo Tú Oanh (Tiền Phong)
 
Top