Việt Nam trắng tay tại Olympic Paris: Vì sao dẫn đầu SEA Games nhưng ra thế giới lại tốp cuối ĐNÁ?

FED

Well-known member
Bài đăng
8,415
Lượt thích
2
Fcoin
13.76FC
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA SEA GAMES, ASIAD VÀ OLYMPIC

SEA Games 31, Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn với 205 HCV, nhiều hơn đoàn về nhì là Thái Lan đến 113 HCV. Một năm sau tại Campuchia, Việt Nam tiếp tục vượt qua Thái Lan để xếp hạng 1, với 136 HCV. Số HCV của Việt Nam vượt trội hoàn toàn so với đoàn thường xuyên nằm ở nhóm trên như Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.

Tuy nhiên chỉ sau đó 3 tháng, Việt Nam lại xếp sau tất cả những đoàn thể thao này tại Asiad Hàng Châu. Trong khi Việt Nam chỉ giành 3 HCV thì con số của các nước láng giềng trong khu vực lại rất khác: Thái Lan 12 HCV, Indonesia 7 HCV, Malaysia 6 HCV, Philippines 4 HCV, Singapore cũng giành 3 HCV nhưng nhiều HCB hơn nên xếp trên.

Và rồi tới Olympic Paris lần này, sự khác biệt càng được thể hiện rõ. Việt Nam có kỳ Thế vận hội thứ hai liên tiếp trắng tay, còn Philippines đã có 2 HCV, Thái Lan 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ, Malaysia 2 HCĐ, Indonesia 1 HCĐ, còn Singapore cũng đang sáng cửa giành huy chương ở môn đua thuyền buồm.

Vậy tại sao lại có sự khác biệt này?

trinh-van-vinh-cu-ta-olympic-paris-2024-17230930956491638776770-1723102055670-17231020559061951607528.jpg

Cú ngã của lực sĩ Trịnh Văn Vinh ở môn cử tạ vào tối 7/8 cũng khép lại hi vọng có huy chương của đoàn Việt Nam tại Olympic Paris.

Trước tiên hãy nhìn vào số VĐV dự Olympic Paris của các đoàn Đông Nam Á. Hùng hậu nhất là Thái Lan với 51 VĐV, tiếp đến là Indonesia (29 VĐV), Malaysia (26 VĐV), Singapore (23 VĐV), Philippines (22 VĐV), Việt Nam (16 VĐV), Đông Timor, Lào (cùng 4 VĐV), Campuchia, Brunei (cùng 3 VĐV), Myanmar (2 VĐV).

Dễ dàng nhận thấy, về số lượng VĐV, Việt Nam chỉ nằm ở nhóm giữa khu vực. Cùng với đó, chúng ta cũng không có VĐV nào thực sự ở đẳng cấp thế giới để tự tin vào mục tiêu có huy chương.

Thành tích tốt nhất của đoàn Việt Nam tại Olympic 2024 là vị trí thứ 4 chung cuộc 10m súng ngắn hơi của xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Còn lại, các VĐV của chúng ta đều phải sớm dừng bước từ vòng ngoài.

trinh-thu-vinh-olympic-paris-2024-1723093174091121441361-1723102056974-17231020571161174278823.jpg

Trịnh Thu Vinh vào chung kết ở cả 2 nội dung tham dự nhưng không thể giành huy chương.

Nên nhớ rằng, tại các kỳ SEA Games, những môn điền kinh, vật, bơi, thể dục dụng cụ, judo… mang về rất nhiều HCV cho Việt Nam. Tuy nhiên khi bước ra Asiad và Olympic, VĐV Việt Nam lại khó lòng cạnh tranh được. Hay nói chính xác hơn, thể thao Việt Nam chưa thực sự có nội dung thế mạnh để tự tin cạnh tranh được khi tiến ra châu lục và thế giới.

Còn với các nội dung mà Việt Nam từng giành HCV Asiad 2022, xạ thủ Phạm Quang Huy không vượt qua được vòng loại Olympic, trong khi cầu mây và karate không nằm trong hệ thống thi đấu của Thế vận hội.

kun-bokator-sea-games-32-huynh-van-cuong-17230935073341832511630-1723102058021-17231020581841893661797.jpg

Thể thao Việt Nam dẫn đầu ở SEA Games nhưng ra châu lục và thể giới lại là câu chuyện khác. (Ảnh: Linh Đan)

Nhìn sang các quốc gia Đông Nam Á đã giành huy chương Olympic, nhiều năm qua họ vốn luôn có những môn có thể cạnh tranh được ở đấu trường thế giới.

Với Thái Lan, họ có Panipak Wongpattanakit (taekwondo, vừa bảo vệ thành công HCV hạng 49kg), có cử tạ, boxing, lại thêm sự bùng nổ của Kulavut ở môn cầu lông để giành HCB đơn nam.

Trong khi đó, Malaysia và Indonesia ở Olympic nào cũng có huy chương ở môn cầu lông. Cả hai quốc gia này luôn duy trì được vị thế tốp đầu thế giới ở môn thể thao này và đó cũng trở thành điểm tựa huy chương tại mọi kỳ Thế vận hội.

Philippines năm nay bùng nổ với 2 HCV của Carlos Yulo ở môn thể dục dụng cụ, còn tại Tokyo cũng dẫn đầu Đông Nam Á (1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ) nhờ thành tích đến từ cử tạ, boxing.

panipak-wongpattanakit-1723093352162181587764-1723102059303-1723102059458522246791.jpg

Panipak Wongpattanakit giành HCV Olympic 2 lần liên tiếp cho Thái Lan.
carlos-yulo-3-17226957154021711635554-1723102060327-1723102060494303973567.jpg

Còn Carlos Yulo mang về 2 HCV cho Philippines tại Olympic Paris 2024.

VÌ SAO LẠI CÓ SỰ KHÁC BIỆT NHƯ VẬY?

Trong bản báo cáo dự toán ngân sách nhà nước 2024 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mục chi sự nghiệp thể dục thể thao ở mức 826,7 tỷ. Con số này thấp hơn nhiều so với dự toán năm 2023 (893 tỷ) và quyết toán năm 2022 (1.242 tỷ).

So với khu vực, ngân sách cho thể thao của Việt Nam thấp hơn khá nhiều. Có thể lấy ví dụ với Thái Lan, con số của các năm 2016, 2017, 2018, 2019 quy đổi ra lần lượt là 5.500 tỷ đồng, 5.200 tỷ đồng (2017 và 2018 ngang nhau) và 4.700 tỉ đồng. Trong khi đó, số tiền ngân sách thể thao Malaysia dành cho năm 2019 là 1 tỉ ringgit (khoảng 248 triệu USD, xấp xỉ 6.200 tỷ đồng ở thời điểm đó). Những con số trên có dao động trong các năm tiếp theo, tuy nhiên đều nhỉnh hơn ngân sách của thể thao Việt Nam rất nhiều.

Người Việt vẫn có câu "có thực mới vực được đạo". Ngay ở bước đầu tiên là ngân sách so với các nước Đông Nam Á đã có sự khác biệt lớn, thì rõ ràng thành tích thu về thua kém hơn là điều không quá khó hiểu.

nguyen-cong-manh-hcv-72-kg-vat-co-dien-sea-games-32-1-1723093735566761031091-1723102061484-17231020616491947753114.jpg

Những môn "mỏ vàng" của Việt Nam ở SEA Games lại chưa đủ sức cạnh tranh ở Asiad và Olympic. (Ảnh: Linh Đan)

LÃNH ĐẠO NGÀNH THỂ THAO VIỆT NAM NÓI GÌ VỀ VẤN ĐỀ NÀY?

"Ở nước ta, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, thể thao thành tích cao đã có sự tiến bộ rõ nét, khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á và bước đầu tiếp cận trình độ thể thao của châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự phát thể thao thành tích cao của nước ta so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn cần đổi mới tư duy và cách làm thể thao thành tích cao", Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt nêu quan điểm tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 đã diễn ra vào cuối năm 2023.

Ông nói tiếp: "Việc luôn là 1 trong 3 quốc gia có thành tích cao nhất tại khu vực Đông Nam Á nhưng không đạt được thành tích cao tại đấu trường thể thao châu lục và thế giới của thể thao Việt Nam xuất phát từ những vấn đề như sự cạnh tranh về thành tích thể thao ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia.

Ngoài ra, đầu tư cho thể thao thành tích cao còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu để có thể đạt được thành tích, trình độ của châu lục và thế giới. Bên cạnh đó, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam nói chung, các VĐV thể thao nói riêng còn hạn chế, thua kém nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới".

cuc-truong-dang-ha-viet-1705465867989228308212-1723102062950-17231020631011255192985.jpg

Cục trưởng Đặng Hà Việt thẳng thắn nhìn vào vấn đề của thể thao Việt Nam. (Ảnh: Như Đạt)

CẦN BAO NHIÊU TIỀN ĐỂ CÓ THỂ MƠ CAO HƠN TẠI ASIAD VÀ OLYMPIC?

Tại hội nghị này, Cục TDTT đặt ra mục tiêu tạo ra bước đột phá thành tích tại Olympic và ASIAD ở giai đoạn 2024 - 2030, xây dựng hệ thống đạo tạo VĐV khoa học, tập trung đầu tư trọng điểm cho các VĐV ưu tú, định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình tập trung nguồn lực đầu tư, từ chuẩn bị lực lượng, công tác huấn luyện đến cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Theo lộ trình vạch ra, kế hoạch trên được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2024 đến năm 2026, tập trung xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic 2024, SEA Games 2025 và ASIAD 2026. Đồng thời đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Dự kiến kinh phí cần khoảng 800 đến 850 tỉ đồng/năm, tức khoảng 2.400 tỉ đến 2.550 tỉ đồng cho giai đoạn 1.

Giai đoạn 2 từ năm 2027 đến năm 2030, tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính gồm triển khai kế hoạch tập huấn và thi đấu trong nước và quốc tế. Chuẩn bị lực lượng tham dự các kỳ Olympic 2028, ASIAD 2030 và SEA Games 2027 và 2029. Kinh phí ước tính cần khoảng 850 đến 900 tỉ đồng/năm, tức 3.400 tỉ đến 3.600 tỉ đồng cho cả giai đoạn 2.

judo-sea-game-32-12-17230935747531662382559-1723102063516-17231020636211566001545.jpg

Thể thao Việt Nam cần nhiều yếu tố để cải thiện thành tích ở các đấu trường lớn. (Ảnh: Linh Đan)

Điều đó có nghĩa để thực sự nâng tầm được nền thể thao, có thể cạnh tranh tốt hơn khi bước ra đấu trường Asiad và Olympic, nguồn kinh phí cần khoảng 5.800 đến 6.150 tỉ đồng. Với con số trên, rõ ràng ngoài nguồn ngân sách từ trung ương và địa phương, việc có thể huy động các nguồn xã hội hóa cũng là điều hết sức quan trọng.

Lấy ví dụ như ở giải vô địch bắn súng châu Á 2024, nơi xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền giành vé dự Olympic Paris, đội tuyển bắn súng Việt Nam đã có mặt tại Indonesia trước đó 2 tuần. Toàn bộ kinh phí của đội trong khoảng thời gian này do một doanh nghiệp tài trợ. Và điều này rõ ràng đã mang đến hiệu quả.

Trong nền thể thao Việt Nam hiện tại, bóng đá là môn kêu gọi được nguồn lực xã hội hóa tốt nhất. Tuy nhiên để môn thể thao nào cũng làm được như bóng đá cũng không phải điều dễ. Tính đại chúng, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh quốc tế và cả lợi ích mà doanh nghiệp thu lại được là những yếu tố quan trọng quyết định việc môn thể thao đó có kêu gọi nguồn xã hội hóa được tốt hay không. Và ngoài ra còn nhiều yếu tố khác ở cấp độ cao hơn.

nguyen-thi-huyen-1-17230938625861245098620-1723102065183-1723102065282202863584.jpg


Theo Linh Đan (Nguoiduatin.vn)
 
Top