Bước trượt dài của Công Phượng khi gia nhập đội 'hạng 2' và thực tại buồn của bóng đá Việt Nam

FED

Well-known member
Bài đăng
9,076
Lượt thích
2
Fcoin
13.76FC
Công Phượng “xuống dốc”

"Sau quãng thời gian xuất ngoại, Công Phượng trở về với một dự định to lớn hơn. Một ý định mà dù cho con số lớn đến mấy cũng không thể mua nổi, đó là khao khát được cống hiến cho sự nghiệp phát triển, nâng tầm bóng đá Việt Nam" – CLB Trường Tươi Bình Phước chia sẻ ở buổi lễ ký hợp đồng với Công Phượng bằng những lời lẽ đầy mĩ miều.

Bản thân tiền đạo xứ Nghệ cũng tuyên bố: “Tôi thấy giấc mơ của mình thông qua tầm nhìn, khát vọng và cách làm bóng đá chuyên nghiệp tại CLB Trường Tươi Bình Phước. Tôi rất hạnh phúc khi được thi đấu, cống hiến cho một CLB có sứ mệnh đồng hành với giấc mơ bóng đá Việt Nam".

Thế nhưng, phải chăng sau khi nghe những lời “có cánh” ấy, chắc hẳn nhiều người hâm mộ sẽ chỉ thêm buồn cho Công Phượng?

Còn nhớ hồi đầu năm 2023, Công Phượng từng mạnh miệng tuyên bố rằng anh đặt mục tiêu thi đấu tới 25 trận, ghi 5 bàn và 6 kiến tạo ở CLB Yokohama FC lẫn ĐTQG. Đó mới thực sự là một dự định to lớn. Song lời nói gió bay, Công Phượng không những không hoàn thành mục tiêu cá nhân, mà còn khiến những người hâm mộ phải phiền lòng với thực tại phũ phàng của anh ở Nhật Bản.

Công Phượng đã làm được gì cho Yokohama? Có lẽ chẳng cần nói thì tất cả đều đã rõ. Trong suốt 2 năm qua, tiền đạo xứ Nghệ chỉ ngồi ở ghế dự bị, đá vài trận ở cúp Hoàng đế Nhật Bản. Dấu ấn nổi bật nhất của anh được phía CLB ghi nhận có lẽ chỉ là khả năng… pha cà phê ngon. Về chuyên môn, dấu ấn mà cựu tiền đạo HAGL để lại ở xứ Phù Tang gần như chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

i31-1726982864848-172698286570092654010.jpg

Từng đặt mục tiêu rất cao khi sang Nhật nhưng Công Phượng lại phải bất đắc dĩ ra đi khi đã xuống dốc phong độ.

Tất nhiên, việc không thể thi đấu ở CLB cũng khiến Công Phượng đánh mất vị thế ở ĐTQG. Sau khi bị loại khỏi những kế hoạch nhân sự của cựu HLV Troussier, tiền đạo này cũng không thể lọt vào tầm ngắm của HLV Kim Sang-sik khi triệu tập đội hình thi đấu 2 trận giao hữu vừa qua.

Theo một nguồn tin thì sau khi rời Yokohama FC, Công Phượng đã đàm phán với ít nhất 2 đội bóng ở Việt Nam. Tuy nhiên, mọi thứ rơi vào bế tắc khi không đạt thoả thuận về số tiền lót tay. Trước đó, Công Phượng được cho là ra giá “trên trời”, lên tới 1 triệu USD cho dù anh vừa dự bị suốt gần 2 năm ở Nhật Bản và cũng đã ở tuổi băm.

Thời hạn đăng ký tham dự giai đoạn 1 V.League 2024/2025 đã qua, Công Phượng đối mặt với thế khó trước chính tham vọng lớn của mình về mức lương. Thế nhưng, giữa bối cảnh đó, CLB Bình Phước đã lập tức vào cuộc để đàm phán với tiền đạo xứ Nghệ.

Vẫn chưa rõ Công Phượng nhận số tiền lót tay bao nhiêu khi đến Bình Phước, nhưng rõ ràng việc từ Nhật Bản trở về một đội hạng Nhất, cũng là một bước lùi với cựu chân sút đang nắm kỷ lục về số lần xuất ngoại của bóng đá Việt Nam.

CLB Bình Phước thành lập năm 2006, tuy nhiên mới chỉ từng tham dự các giải hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất, chưa từng được dự V.League. Đội bóng này đầu tư khá mạnh về lực lượng, với sự xuất hiện của HLV Nguyễn Anh Đức và một số cầu thủ như Bùi Tấn Trường, Sầm Ngọc Đức, Hồ Tuấn Tài, Huỳnh Tấn Sinh… và mới nhất là Công Phượng. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để biết liệu CLB Bình Phước có thể giành vé thăng hạng V.League mùa sau hay không.

img-3756-19741-1726982866248-17269828664401073708367.jpeg

"Pha cà phê ngon" có lẽ là dấu ấn lớn nhất của Công Phượng ở Yokohama.

Nỗi buồn của bóng đá Việt Nam

Tối qua, hậu vệ của tuyển Indonesia, Jay Idzes, đã chơi trọn vẹn trận đấu khi Venezia, ghi chiến thắng đầu tiên tại giải Serie A 2024/2025 trước Genoa 2-0. Sau trận đấu này, tuyển thủ Indonesia được truyền thông Italia dành khá nhiều lời khen ngợi.

Ngoài Jay Idzes thì tuyển Indonesia hiện có nhiều ngôi sao đang chơi bóng ở nước ngoài, vốn có môi trường phát triển hơn nhiều so với mặt bằng chung của Đông Nam Á. Có thể kể tới thủ môn Maarten Paes tại Mỹ, Sandy Walsh tại Bỉ, Marselino Ferdinan và Nathan Tjoe-A-On ở Anh, Pratama Arhan ở Hàn Quốc hay một số gương mặt khác tại Hà Lan.

Việc tuyển Indonesia có nhiều ngôi sao chơi ở nước ngoài đặc biệt là châu Âu, về cơ bản xuất phát từ chiến lược nhập tịch của LĐBĐ nước này. Tuy nhiên, phải thừa nhận bóng đá Indonesia đang có một chiến lược rõ ràng và họ đã bắt đầu thu về những kết quả tích cực. Việc họ thi đấu rất hay ở 2 trận vòng loại thứ 3 World Cup 2026 (cầm hoà Saudi Arabia và Australia) chính là một minh chứng. Thời điểm hiện tại, HLV Shin Tae-yong tất nhiên không khó chọn ra những nhân tố chất lượng để có thể chơi sòng phẳng với những đội bóng hàng đầu châu lục.

i21-1726982866951-1726982867075746376750.jpg

Tuyển thủ Indonesia Jay Idzes bắt đầu ghi dấu ấn ở Serie A.

Trong khi đó, tuyển Thái Lan cũng sở hữu không ít ngôi sao chơi bóng ở nước ngoài. Họ có Nicholas Mickelson chơi ở Na Uy, Ekanit Panya, Patrik Gustavsson, Supachok Sarachat, Sarach Yooyen cùng chơi ở J.League 1 của Nhật Bản, Suphanat Mueanta tại Bỉ…

Sau thành công của Chanathip, bóng đá Thái Lan đang đẩy mạnh xuất ngoại cầu thủ sang những nền bóng đá tiên tiến, mà Nhật Bản chính là ưu tiên hàng đầu. Khác với các trường hợp xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam (như Công Phượng hay cả Quang Hải, Văn Hậu, Xuân Trường, Tuấn Anh) thì những ngôi sao bên phía Thái Lan thành công hơn rất nhiều. Ngoài Chanathip từng “làm mưa làm gió” ở Sapporo thì Suphanat Mueanta cũng từng chơi 15 trận trong màu áo OH Leuven của Bỉ mùa trước, hay tiền vệ trẻ Ekanit Panya cũng chơi 14 trận cho đội bóng lớn của Nhật - Urawa Red Diamonds, đặc biệt là Supachok với việc từng đá tới 41 trận tại Sapporo, ghi 9 bàn trong năm 2023…

Rõ ràng, những cầu thủ thuộc diện “top 1” của Thái Lan vẫn có đẳng cấp vượt trên hẳn so với nhóm ngôi sao của tuyển Việt Nam. Việc hàng loạt cầu thủ người Thái thành công ở Nhật Bản đã mở đường cho nhiều cầu thủ trẻ có khát khao và tham vọng vươn ra biển lớn, thay vì chỉ loanh quanh ở khu vực Đông Nam Á.

Thành công của những cá nhân cũng mang tới hiệu ứng tích cực cho ĐTQG. Rõ ràng, đẳng cấp của Thái Lan vẫn đang xếp trên một bậc so với tuyển Việt Nam và trận thắng mới đây bằng đội hình phụ ở Mỹ Đình chính là một minh chứng rõ nét.

m2-1726982867466-1726982867570513171251.jpg

Từng được ví là "Messi Việt Nam" nhưng Quang Hải hay Công Phượng đều "vỡ mộng" khi ra nước ngoài.

Ở Việt Nam, hình ảnh của Công Phượng phần nào được coi là điển hình cho số phận chung của những ngôi sao mỗi khi xuất ngoại. Tất cả gần như đều chung một kịch bản, đó là chỉ sắm vai “người thừa” ở nước ngoài và lần lượt vỡ mộng. Họ đều phải trở về Việt Nam thi đấu trong bối cảnh đã xuống phong độ sau thời gian dài dự bị.

Thực tại đó quả là nỗi buồn của bóng đá Việt Nam. Viễn cảnh ĐTQG ngày càng bị Thái Lan, Indonesia bỏ xa, xem ra khó tránh khỏi. Khi những ngôi sao ngày nào như Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu, Xuân Trường… cùng bước lùi, tuyển Việt Nam liệu có tiền lên nổi hay không, hay sẽ ngày càng tụt hậu?

Theo Tiểu Lâm Mộc (Nguoiduatin.vn)

 
Top