TP.HCM sẽ xử phạt nam tiếp viên mắc Covid-19

notAbot

Well-known member
Bài đăng
2,028
Lượt thích
12
Fcoin
30,388.76FC
Do không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, nam tiếp viên hàng không đã tiếp xúc với 3 người và làm lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng.



Hơn 18h ngày 1/12, TP.HCM tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh thành phố vừa ghi nhận 2 trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Những người này đều có tiền sử tiếp xúc bệnh nhân 1347 - giáo viên tiếng Anh. F0 của trường hợp này là nam tiếp viên hàng không (BN1342).

Nam tiếp viên hàng không có thể bị xử phạt thế nào?

Liên quan bệnh nhân 1342, người vi phạm quy định cách ly tại nhà, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu quy định, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó theo quy định.

"Các cơ quan liên quan đã tiếp nhận và sẽ có hình thức xử lý ông D.T.H. trong thời gian tới", vị này khẳng định.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định cơ quan chức năng đã biết được ca F0 của ổ dịch này. Đó là bệnh nhân 1342 được công bố mắc Covid-19 vào ngày 28/11.

Trong thời gian cách ly, người này đã tiếp xúc gần một giáo viên tiếng Anh. Kết quả, người này trở thành bệnh nhân 1347. Nam thanh niên này đã đi qua 3 quận và tiếp xúc hàng trăm người trước khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

"Chúng tôi xét nghiệm toàn bộ người tiếp xúc bệnh nhân, trong đó 2 người dương tính. Các thành viên khác trong gia đình bệnh nhân âm tính", ông Bỉnh thông tin.

TP.HCM sẽ xử phạt nam tiếp viên mắc Covid-19


TP.HCM tổ chức họp báo về tình hình dịch Covid-19. Ảnh: Bích Huệ.

Hiện tại, Sở Y tế tiếp tục truy vết F1 của bệnh nhân 1347, đặc biệt là người thân trong gia đình.

Theo văn bản số 925/STP-PBGDPL về quy định phòng, chống Covid-19, những người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bị phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng.

Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác.

Những người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.

"Khu cách ly làm đúng, cá nhân vi phạm"

Đối với trách nhiệm của cơ quan quản lý về việc bệnh nhân nhiễm virus trong thời gian cách ly, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết khu cách ly của Vietnam Airlines đã được phép thành lập, ngành y tế thành phố có trách nhiệm giám sát và chấn chỉnh nếu thực hiện chưa đúng. Đặc biệt, người cách ly tại nhà phải ký cam kết thực hiện đúng quy định.

"Vấn đề là nếu chúng ta thực hiện không đúng thì sẽ để lại hậu quả. Tôi khẳng định bệnh nhân 1342 vi phạm quy định cách ly tập trung, vi phạm quy định cách ly tại nhà đã cam kết", ông Dũng nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết Vietnam Airlines có quy định cách ly mỗi chuyến bay theo khu riêng biệt. Do đó, khi tiếp xúc với nhau, những người này đã vi phạm quy định về cách ly. Trách nhiệm thuộc về sự quản lý của Vietnam Airlines.

TP.HCM sẽ xử phạt nam tiếp viên mắc Covid-19 - 1


Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại sân bay. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Trước đó, cơ quan này đã thẩm định các cơ sở cách ly, trong đó có cơ sở của hãng hàng không Vietnam Airlines. Đồng thời, các khu cách ly thường xuyên được kiểm tra, giám sát định kỳ bởi Sở Y tế TP.HCM và HCDC.

"Trước mắt, khu cách ly này làm đúng quy định nhưng cá nhân đã vi phạm. Khi BN1325 dương tính (trong đoàn bay 16 người, 9 người dương tính), chúng tôi đã chỉ định đưa người bệnh vào Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Trường hợp còn lại được cách ly tập trung. 9 người cùng dương tính là xác suất rất lớn, có thể lây trên máy bay và cũng có thể lây trong khu cách ly", ông Bỉnh nói.

Ông cũng thông tin về mặt khoa học, quy định trường hợp nguy cơ có xét nghiệm 2 lần âm tính được cách ly tại nhà rất logic. Các hành khách và tổ bay đều âm tính thì cho cách ly ở nơi cư trú. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng được việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định, việc cách ly ở nơi cư trú sẽ không được tiếp tục. Nhiều khả năng tổ bay phải cách ly tập trung 14 ngày.

TP.HCM phong tỏa nhiều khu vực

Trong ngày 30/11, sau khi tiếp nhận thông tin ca bệnh 1347 với lịch trình di chuyển dày đặc, cơ quan chức năng quận 6 đã cách ly tập trung trường hợp F1, cách ly F2 tại nhà. Đến nay, UBND quận 6 phong tỏa khu vực nhà của bệnh nhân này trên địa bàn phường 7 với phạm vi 92 nóc gia, 267 người dân. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cùng Trung tâm Y tế quận 6 đã lấy mẫu 118 trường hợp.

Cơ quan chức năng cũng phong tỏa xung quanh nơi cư trú của cháu bé mắc Covid-19 (BN1348) với 52 nóc gia, 196 hộ dân. Những người này đang chờ kết quả xét nghiệm.

Trường hợp thứ 3 là học viên của BN1347, Sở Y tế tạm thời phong tỏa địa chỉ 20 Hoàng Lê Kha, phường 9, quận 6, giới hạn đi lại từ căn 16 đến 24. 22 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả. Tổng số mẫu được lấy tại 3 phường liên quan BN1347, BN1348 là 329 mẫu.

TP.HCM sẽ xử phạt nam tiếp viên mắc Covid-19 - 2


Cơ quan chức năng phong tỏa một số hộ dân tại hẻm 97 đường Phạm Phú Thứ, phường 3, quận 6, TP.HCM, liên quan ca mắc Covid-19. Ảnh: Chí Hùng.

Mở rộng xét nghiệm

Về nguy cơ lây lan dịch trong thời gian tới, GS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết tình hình trên thế giới hiện rất phức tạp. Các nước láng giềng như Campuchia cũng có 8 trường hợp lây nhiễm không rõ nguồn.

Đặc biệt, thời tiết lạnh trong mùa đông dễ khiến virus phát tán. Chúng ta luôn có nguy cơ lây lan dịch bệnh, do đó, khả năng người nhập cảnh không được quản lý tốt sẽ là nguồn lây lan ra cộng đồng.

Các khu vực dễ tổn thương tại bệnh viện, khoa bệnh nhân nặng, mạn tính như Thận nhân tạo, Hồi sức cấp cứu phải được kiểm soát chặt chẽ. Người có bệnh mạn tính, cao tuổi... là trường hợp nguy cơ cao.

TP.HCM luôn khuyến cáo người dân không chủ quan, đặc biệt là các sự kiện sắp tới như Giáng sinh, Tết Dương lịch... Chúng ta cần khẩn trương tuân thủ quy định để có thời gian bình yên.

Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ mở rộng xét nghiệm nhóm có triệu chứng viêm đường hô hấp, mạn tính, khảo sát ngẫu nhiên nhân viên y tế, công nhân làm việc tại chợ đầu mối, khu chế xuất... "Sắp tới, ngoài truy xuất người tiếp xúc gần, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các biện pháp này", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, thống kê số ca mắc của Việt Nam gia tăng so với thời gian trước. Điều này cho thấy nguy cơ từ chuyến bay nhập cảnh, các nước xung quanh và tỷ lệ lây nhiễm rất cao.

"Nguy cơ cộng chủ quan sẽ làm tăng thêm nguy cơ. Chúng tôi nhấn mạnh việc tăng cường giám sát ở cửa khẩu, khu cách ly là rất quan trọng. Chúng ta đã có bài học vừa xảy ra. Do đó, ban quản lý các khu cách ly, hiện tập trung nhiều ở khách sạn, có vai trò quan trọng để phát hiện sớm ca không rõ nguồn gốc, hạn chế nguy cơ bùng phát. Ca bệnh hiện tại xác định nguồn gốc, phát hiện sớm nên có thể hạn chế sự lây lan cho cộng đồng", bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết.

Theo Bích Huệ (Tri Thức Trực Tuyến)
 

Bài mới

Top