notAbot
Well-known member
1
ALAVES (Babazorros)
Các cầu thủ của Alaves được gọi là “Babazorros” (Bao đậu tằm). Các CĐV hay thậm chí cả linh vật của đội bóng xứ Basque cũng được gọi như vậy. Đây là một từ ghép của hai từ đơn trong tiếng Basque là “baba” (đậu tằm) và “zorro” (bao tải). Tất cả bắt nguồn từ ngành trồng trọt đậu tằm nổi tiếng của tỉnh Alava, dẫn đến việc các cư dân ở đây cũng tự gọi mình như vậy. Đây cũng là một trong những biệt danh lâu đời và kỳ lạ nhất trong bóng đá Tây Ban Nha.
2
ATLETICO (Colchoneros, Indios)
Có hai câu chuyện đằng sau những biệt danh “Colchoneros” và “Indios” của Atletico. Đội bóng này được gọi là “Colchoneros” (Những tấm đệm) vì trang phục truyền thống sọc đỏ-trắng của họ khá giống màu vải bọc những tấm đệm ở Tây Ban Nha. Biệt danh “Indios” (Những người Anh-điêng) của Atletico thì gắn liền với sự xuất hiện của một loạt cầu thủ đến từ Nam Mỹ như Ruben Ayala, Ramon Heredia và Panadero Diaz trong thập niên 1970. Và không ngạc nhiên khi những người dè bỉu Atletico là “Indios” chính là các CĐV của Real Madrid.
3
BARCELONA (Cules)
Biệt danh của Barca là “Blaugrana”, tức “xanh-đỏ” theo màu áo truyền thống. Nhưng vì sao các CĐV của họ lại được gọi là “Cule”? Biệt danh này bắt nguồn từ một câu chuyện khá hài hước. Trong giai đoạn 1909-1922, Barca từng thi đấu ở SVĐ La Escopidora trên đường Industria. Đó là một sân nhỏ với sức chứa 6.000 người, nên các CĐV phải ngồi cả trên tường và... chổng mông ra ngoài. Thế là họ bị gọi là “Culer” (từ “cul” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “cái mông”), và về sau đổi thành “Cule”.
4
BETIS (Heliopolitanos, Verderones)
Betis được gọi là “Verderones” (Chim xanh) vì màu áo sọc xanh-trắng của mình. Nhưng ngoài ra, đội bóng xứ Andalucia còn có biệt danh “Heliopolitanos” vì lý do địa lý. Nó xuất phát từ cái tên Heliopolis, khu vực ngoại ô của thành phố Seville và cũng là nơi tọa lạc của tổ ấm của Betis. Trước khi lần lượt được đổi tên thành Manuel Ruiz de Lopera (tên cựu chủ tịch Betis) và Benito Villamarin như hiện tại, sân nhà của Betis cũng từng mang tên Heliopolis trong một giai đoạn khá dài từ năm 1939 đến 1961.
5
BILBAO (Leones)
Cả biệt danh “Leones” (Bầy sư tử) lẫn tên sân San Mames của Bilbao đều gắn với câu chuyện tôn giáo. Mames là vị thánh trong Thiên chúa giáo sinh ra ở thế kỷ thứ 3. Thất bại trong việc bắt Mames từ bỏ niềm tin, người La Mã ném ông vào đấu trường Coliseo với một bầy sư tử. Nhưng bầy sư tử không tấn công Mames, mà lại phủ phục trước chân ông. Để bày tỏ sự tôn kính, Bilbao đã đặt tên SVĐ là San Mames và tự coi mình là bầy sư tử bảo vệ vị Thánh này.
6
CELTA VIGO (Olivicos)
Biệt danh “Olivicos” của Celta Vigo bắt nguồn từ biểu tượng cây ô liu của thành phố Vigo, và đằng sau nó là một câu chuyện thú vị. Các tu sĩ từng trồng một cây ô liu ở sân trước nhà thờ Santa Maria de Vigo và sau khi nhà thờ bị phá hủy năm 1816, một người đã chiết cành của cây ô liu và trồng trong vườn nhà mình. Cây ô liu trăm tuổi sau đó được chuyển tới đại lộ Alfonso XII, trở thành biểu tượng và còn xuất hiện trên huy hiệu của thành phố Vigo.
7
EIBAR (Armeros)
Các cầu thủ và CĐV của Eibar thường được gọi là “Armeros” (Thợ làm súng), và nguồn gốc biệt danh này liên quan đến ngành công nghiệp của thành phố. Không chỉ các thành viên của Eibar mới là “Armeros”, mà gần như tất cả những gì liên quan đến thành phố của tỉnh Guipuzcoa đều được gọi như vậy. Sự hiện diện của ngành công nghiệp này đã giảm dần trong 20 năm gần đây, đặc biệt khi nhà máy STAR đóng cửa năm 1997. Tuy nhiên, tinh thần “Armeros” thì vẫn luôn tồn tại ở thành phố này.
8
ESPANYOL (Pericos)
Có hai phiên bản về biệt danh “Pericos” (Vẹt đuôi dài) của Espanyol. Giả thuyết đầu tiên là khi họ mới chuyển đến sân Sarria, trong rừng cây xung quanh có rất nhiều loài chim này. Giả thuyết thứ hai là ở thập niên 1920, bộ phim “Chú mèo Periquito” rất nổi tiếng tại Tây Ban Nha. Và khi thủ môn Ricardo Zamora chuyển từ Espanyol tới Real Madrid, cây biếm họa Valenti Castanys đã vẽ mèo Periquito trên bìa tạp chí El Xut với cái tít “Có Zamora hay không, chúng ta vẫn yếu”. Từ “Periquito” bị... nhầm thành “Pericos” và trở thành biệt danh của Espanyol.
9
GETAFE (Azulones)
Từ Azulones (Xanh lơ) là để chỉ màu áo truyền thống của đội bóng đại diện cho thị trấn ngoại ô phía nam của Madrid. Nhưng màu xanh trên sắc áo CLB thành lập năm 1946 và được tái lập trong thập niên 1980 ấy bắt nguồn từ đâu? Có ý kiến cho rằng Getafe mặc áo xanh để... tôn vinh giai cấp công nhân. Nhưng một ý kiến khác, có vẻ đáng tin hơn, là đội bóng này mặc áo xanh vì đó là màu áo choàng của Virgen de los Angeles, vị Thánh bảo hộ của thành phố.
10
GRANADA (Nazaries)
Biệt danh của Granada gắn liền với lịch sử của thành phố. Triều đại Nasrid (tiếng Tây Ban Nha là Nazari) chính là vương triều Hồi giáo cuối cùng từng trị vì Tiểu vương quốc Granada trong giai đoạn từ năm 1238 đến 1492. Năm 1492 cũng là năm đánh dấu sự sụp đổ của chế độ hồi giáo Al-Andalus, khởi nguyên của xứ Andalucia sau này của Tây Ban Nha. Vì thế, có thể coi biệt danh Nazaries của CLB được thành lập năm 1931 dưới cái tên Club Recreativo Granada phản ánh lịch sử của cả thành phố.
Nguồn gốc biệt danh các đội bóng ở La Liga
Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao Bilbao được gọi là Leones (Bầy sư tử), Atletico là Colchoneros (Tấm đệm) còn Espanyol là Pericos (Vẹt đuôi dài)? Hay tại sao CĐV Barca lại được gọi là Cule (cái mông)? Câu trả lời sẽ có với bài báo về nguồn gốc biệt danh các đội bóng ở La Liga...
bongdaplus.vn