VPF gửi đi công văn khẩn vì cựu HLV Thái Lan, V.League càng lộ ra thêm những góc tối đáng buồn

FED

Well-known member
Bài đăng
9,502
Lượt thích
2
Fcoin
13.76FC
BAO GIỜ MỚI CỎ MẶT CỎ ĐẸP?

"Khi nhìn thấy mặt sân Hà Tĩnh, mọi toan tính của tôi gần như đổ bể. Thật tệ khi các đội bóng phải thi đấu trên mặt sân thế này. Hôm nay cầu thủ tôi không thể chơi thứ bóng đá mà tôi muốn. Bóng nảy quá nhiều khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn. Chúng tôi phải sử dụng bóng dài nhiều hơn thường lệ. V.League có quãng nghỉ rất dài, đáng ra đội phải tận dụng để bảo dưỡng mặt sân. Mặt sân xấu ảnh hưởng đến tất cả các đội.

Có 2 lý do giúp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bất bại từ đầu mùa. Họ có những cầu thủ ngoại rất chất lượng, một tiền đạo và một trung vệ rất khỏe và các cầu thủ quyết tâm và đoàn kết. Thứ hai, họ có ưu thế khi quen mặt sân. Đá trên sân này rất khó để các đội khách đánh bại được Hồng Lĩnh Hà Tĩnh".

Đó là những chia sẻ của HLV Polking sau khi CLB CAHN của ông hòa 0-0 với chủ nhà Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vào tối 10/2 vừa qua. Và chưa dừng lại ở đó, dường như nỗi bức xúc vẫn chưa hạ nhiệt, sau đó 2 ngày, cựu HLV tuyển Thái Lan tiếp tục đăng tải hình ảnh mặt sân Hà Tĩnh lên trang cá nhân kèm theo biểu tượng hình con bò và dê, ngầm ám chỉ chất lượng mặt cỏ không tốt tại đây chẳng khác gì đồng cỏ chăn nuôi.

polking-1739523216368-1739523217467385221082.png

HLV Polking mỉa mai mặt sân Hà Tĩnh.

Chưa đầy 1 ngày sau, công ty VPF đã có động thái cứng rắn về vấn đề này. Trong công văn được gửi đi vào sáng qua (13/2), ban tổ chức V.League yêu cầu hai đội bóng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Quy Nhơn Bình Định phải sớm có biện pháp khắc phục mặt cỏ sân nhà.

Đối với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (đá trận sân nhà ngày 28/2 gặp Thanh Hóa), VPF sẽ kiểm tra sân vào ngày 21/2. Còn với Quy Nhơn Bình Định (đá trận sân nhà ngày 1/3 gặp Bình Dương), VPF sẽ kiểm tra sân vào ngày 22/2.

Trong trường hợp mặt cỏ vẫn không đảm bảo yêu cầu, ban tổ chức sẽ yêu cầu các đội bóng phải đăng ký sân khác làm sân nhà. Đây được coi là động thái cứng rắn của VPF để chấn chỉnh điều kiện sân bãi của các đội V.League.

Trước đó, ở nhiều mùa giải, ban tổ chức đã nhiều lần châm trước, chấp nhận cấp phép tạm thời cho một số CLB chưa đảm bảo được điều kiện cơ sở vật chất thi đấu. Tuy nhiên việc tình trạng này tái diễn nhiều năm khiến những người trong cuộc phải có động thái mạnh tay.

Đáng chú ý, ngay cả sân Mỹ Đình vừa qua cũng bị chê. HLV Lê Quang Trãi của HAGL nói sau trận gặp Thể Công ngày 9/2: "Tôi thấy sân Mỹ Đình sau thời gian cho thuê để tổ chức đêm diễn 'Anh trai say hi' thì xấu đi. Mặt cỏ ở khu vực khán đài A rất gồ ghề. Tôi cho rằng mặt cỏ của sân vận động quốc gia cần phải được bảo trì, bảo dưỡng tốt hơn. Sân Mỹ Đình hôm nay không đạt chuẩn quốc gia".

san-my-dinh-1739523218481-17395232186451112206745.jpg

Sân Mỹ Đình vốn đã có mặt cỏ không tốt từ trước khi tổ chức concert "Anh trai say hi" (ảnh). Và sau 2 đêm ca nhạc, mặt sân vẫn tiếp tục bị phàn nàn.

GÓC TỐI CỦA V.LEAGUE

Khi chất lượng mặt cỏ V.League một lần nữa trở thành chủ đề gây xôn xao, dư luận lại đặt ra câu hỏi: Vậy cần bao nhiêu để có và duy trì một mặt sân đẹp? Và đồng thời, các đội bóng Việt Nam có đủ nguồn lực để làm điều này hay không?

Hiện tại, tùy theo tình hình thực tế mà các sân bóng tại V.League sử dụng cỏ lá kim hoặc cỏ lá gừng. Theo tìm hiểu từ các đội bóng, với cỏ lá gừng, chi phí để phủ sân khoảng 800 triệu đồng, đồng thời cần khoảng 25-30 triệu đồng để bảo dưỡng hàng tháng, tuổi thọ mặt sân được 3-5 năm thì theo mức độ sử dụng. Với cỏ lá kim, con số để phủ sân khoảng 2 tỷ đồng, bảo dưỡng trên dưới 50 triệu đồng mỗi tháng. Bù lại, chất lượng mặt sân và độ bền sẽ cao hơn.

Ngoài ra, sẽ có những khoản phí phát sinh cho việc tôn tạo nền đất, lu phẳng mặt sân, trồng cỏ bổ sung. Nhìn chung, con số cho một mặt cỏ đẹp mỗi mùa có thể rơi vào khoảng 3-4 tỷ đồng, không chiếm % quá nhiều so với ngân sách của một CLB tại V.League (thường tiêu tốn 30-50 tỷ, thậm chí cả trăm tỷ mỗi mùa).

z6302087942123bcd16f01e7ca16169c394f885dce6c4f-1739523219163-1739523219373875002132.jpg


Sân Hàng Đẫy từng có mặt cỏ rất đẹp trong gian CLB Hà Nội được giao quản lý. Tuy nhiên sau trở thành sân nhà của nhiều đội bóng và trả quyền quản lý lại cho địa phương, mặt cỏ không còn được chăm chút kỹ như trước.

Để so sánh, các ngoại binh khi đến V.League có thể nhận được khoản lót tay cả trăm ngàn trở lên USD mỗi mùa, nhân lương vài trăm triệu đồng. Và nhiều CLB không tiếc tiền để liên tục đưa về những bản hợp đồng mới theo kiểu này. Thế nhưng vẫn có không ít “bom xịt” xuất hiện, nhận lương cao ngất ngưởng rồi rời đi, còn đội bóng lại cuống cuồng vung tiền tìm ngoại binh mới.

Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ không phải đội bóng nào cũng được tự quản lý sân như HAGL, Bình Dương, hay trước đây là CLB Hà Nội. Đa số các sân bóng tại V.League đều thuộc sự quản lý của địa phương. Muốn thực hiện cải tạo, sửa chữa sân, đội bóng cần phải thực hiện các thủ tục cấp phép theo quy định.

Thậm chí, việc không được toàn quyền sử dụng sân cũng từng gây ra tranh chấp như vụ việc CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh từng than trời vì không được tập luyện tại sân Hà Tĩnh, còn nơi đây lại thành sân tập… chơi golf cách đây vài năm.

Trong quá khứ, sân Lạch Tray từng bị nhiều lần bị chê vì mặt cỏ chất lượng thấp. Thậm chí khu vực khởi động sau khung thành còn biến thành nơi tăng gia trồng rau, còn gần khán đài để nuôi gà. Tuy nhiên nhờ sự quyết liệt của địa phương và CLB Hải Phòng, sau dự án cải tạo sân vào năm 2021, sân bóng này đã lột xác hoàn toàn với mặt cỏ chất lượng, phòng thay đồ hiện tại, nhà vệ sinh sạch sẽ...

san-lach-tray-trong-rau-1739523220338-17395232204711129751807.png

Sân Lạch Tray từng bị truyền thông quốc tế mỉa mai với hình ảnh nhếch nhác trồng rau, nuôi gà, mặt cỏ thi đấu kém chất lượng.
san-lach-tray-1739523220959-17395232210571829322415.png

Nhưng sau đó sân bóng này đã lột xác hoàn toàn.

Đó là chưa kể đến việc các đội không có sân tập riêng khiến mặt cỏ sân thi đấu bị cày ải liên tục cả tuần, dẫn tới việc khó bảo dưỡng. Cỏ chưa kịp mọc lại thì mặt sân đã phải tổ chức trận đấu, khiến vòng lặp trở nên luẩn quẩn.

Như trường hợp của CLB Quảng Nam, sau khi không được đá trên sân nhà Tam Kỳ ở V.League 2023/24, đội bóng này cũng phải mất hơn 1 năm để kế hoạch cải tạo sân được thông qua và hoàn thành.

Từ việc thay mới dàn đèn (chờ nhập khẩu thiết bị), đến việc trồng mới toàn bộ mặt cỏ đều tốn kém cả tiền bạc và thời gian. CLB Quảng Nam phải mượn sân Hòa Xuân tại Đà Nẵng làm sân nhà trong 1,5 mùa giải. Đến lượt về mùa này, sau khi sân Tam Kỳ sửa xong, lại tới lượt CLB Đà Nẵng mượn sân đấu này làm sân nhà trong phần còn lại của V.League 2024/25 để nâng cấp mặt cỏ sân Hòa Xuân. Trước đó, sân bóng này cũng từng bị chê nhiều lần vì mặt sân gồ ghê, loang lổ, cỏ không mọc.

san-hoa-xuan-da-nang-1739523222060-17395232223821319574595.jpg

Sân Hòa Xuân phải cải tạo lại sau nhiều phản ánh về mặt cỏ.

Hệ thống các giải VĐQG vẫn luôn là yếu tố cốt lõi để tạo nên chất lượng của một nền bóng đá. Đội tuyển Việt Nam có thể mang về những niềm vui cho người hâm mộ với thành tích nhất thời, nhưng nếu chất lượng V.League không sớm được cải thiện, những yếu tổ cơ bản về cơ sở vật chất không được nâng cao, còn các đội bóng vung tiền quá nhiều cho cầu thủ ngoại, liệu sự quan tâm dành cho bóng đá nước nhà có thể đi theo hướng tích cực hơn hay không?

VPF lần này đã có thêm một nước đi mạnh tay, nhưng kết quả thu về sẽ được đến mức nào? Thời gian rồi sẽ dần đem đến câu trả lời!

Theo Linh Đan (nguoiduatin.vn)
 
Top