
Ruben Amorim đã không sai khi nói cách đây vài tuần, rằng MU hiện tại là đội bóng tệ nhất lịch sử CLB.
Sau thất bại trước Tottenham, Quỷ đỏ đã rơi xuống vị trí thứ 15, chỉ cách nhóm xuống hạng 12 điểm trong khi kém tốp bốn 15 điểm. Chưa bao giờ họ ở vị trí này trong kỷ nguyên Premier League, và cũng chưa bao giờ thua tới 12 sau 25 trận đã chơi kể từ mùa xuống hạng gần nhất 1973/74.
Trước khi Amorim tới Old Trafford, MU đứng thứ 13 và thua 4 trận. Sau 3 tháng được dẫn dắt bởi chiến lược gia 40 tuổi, họ tụt thêm 2 hạng và số trận thua nhiều gấp đôi (8). Tỷ lệ thắng dưới thời Amorim chỉ là 28,5% (4/14) còn tỷ lệ bại lên đến 57,1%.

Kết quả 14 trận Premier League của Mu dưới thời Amorim.
Kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, người hâm mộ Quỷ đỏ đã bực bội với David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer rồi Ralf Ragnick và Erik ten Hag, đồng thời sau mỗi lần có một HLV rời đi, có xu hướng nghĩ rằng đó là người tệ nhất. Thế nhưng không HLV nào kiếm được ít điểm như Amorim sau 14 trận đầu tiên (14 điểm).
Amorim cũng không giúp gì trong việc thay đổi thói quen xấu của MU, về việc họ không thể thắng 2 trận liên tiếp trong suốt mùa giải, và cứ sau mỗi chiến thắng sẽ là vài ba kết quả đáng thất vọng.
Có cảm giác người hâm mộ MU cũng dần chấp nhận thực tế, đội bóng này không còn là lớn như trước. Tại Tottenham Hotspur đêm Chủ nhật, sau tiếng còi mãn cuộc, Amorim cùng các cầu thủ tiến về phía khán đài để tri ân CĐV đã theo chân tới tận London. Đáp lại họ là những tràng pháo tay và một bài hát thể hiện tình yêu với CLB.

Amorim cùng các học trò tri ân người hâm mộ tại Tottenham Hotspur.
Đó là cảnh tượng rất khác cuối triều đại Ten Hag, Ragnick hay Solskjaer. Họ đã chịu đựng sự phẫn nộ, những tiếng la ó từ người hâm mộ, giống như những gì xảy ra với Moyes, Van Gaal và Mourinho. Điều kỳ quặc là những HLV xấu số này thua ít hơn, và cũng không để MU rơi xuống thứ 15 giống Amorim. Khi người hâm mộ cảm thấy quen thuộc với thất bại, MU không khác nhiều những đội bóng chiến đấu ở khu vực xuống hạng nhiều năm.
Bằng sự tự tin sau quãng thời gian thành công với Sporting, Amorim đã cố gắng tái tạo hệ thống 3-4-2-1. Ngay cả khi không có nhiều cầu thủ MU phù hợp, ông vẫn khăng khăng đây là con đường đúng đắn để đi.
Theo cựu hậu vệ Gary Neville, Amorim đã "tự đào mồ chôn mình" với quyết định gắn bó với hệ thống không mang lại hiệu quả, vừa thiếu hiệu quả trong tấn công vừa dễ tổn thương khi phòng ngự. Sau 14 trận Premier League, MU chỉ ghi 16 bàn (6 trận tịt ngòi) nhưng lại nhận tới 23 bàn thua.
Tuy Amorim cho biết, ông không lo lắng về tương lai của mình và chỉ tập trung cải thiện vị trí của MU, nhưng càng ngày càng có nhiều chỉ trích nhắm vào ông. HLV người Bồ Đào Nha cũng tin tưởng đủ khả năng xoay chuyển tình hình, và theo thời gian, các học trò sẽ nắm bắt tốt hơn ý tưởng, đồng thời nâng cao năng lực để đáp ứng những đòi hỏi về mặt chiến thuật.
Chỉ có điều, nếu tiếp tục thất bại kéo dài, các cầu thủ cũng như những người khác tại MU sẽ mất dần niềm tin vào Amorim. Họ cũng đã tin vào Ten Hag và chờ đợi về thứ bóng đá thú vị tương tự Ajax, nhưng nó không bao giờ đến.
Nên nhớ, đồng sở hữu Sir Jim Ratcliffe đang vật lộn để đối phó với các lỗ hổng tài chính, đồng thời vấp phải sự phản đối gay gắt từ nhiều phía sau một loạt quyết định đi ngược đám đông, từ tăng giá vé đến sa thải nhân viên. Chiến thắng trên sân cỏ chính là liều thuốc xoa dịu tâm trạng, và nếu nó không xảy ra, ông chủ MU buộc phải tính tới chuyện thay đổi.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)