Maradona và câu chuyện về nhân vật đáng ghét nhất cuộc đời

Woodner

Well-known member
Bài đăng
502
Lượt thích
0
Fcoin
8,612.85FC
Maradona và câu chuyện về nhân vật đáng ghét nhất cuộc đời


Kỳ lạ ở chỗ, cố huyền thoại người Argentina luôn có vẻ giống một “gã hư đốn”, nhưng vẫn có những kẻ phản diện đáng ghét hơn nhiều lần. Một trong những cái tên đó là cố chủ tịch Josep Luis Nunez và mối quan hệ đặc biệt này, đã được đưa lên màn ảnh nhỏ với quá trình thử vai và thu thập tài liệu độc đáo, dịp tròn một năm ngày mất của ông.

Tìm kiếm diễn viên


Maradona để lại dấu ấn ở bất cứ nơi nào ông ấy đến: Barcelona, Napoli, Buenos Aires, Seville, Rosario. Nhiều đến mức Amazon Prime bạo chi làm riêng một bộ phim dài tập về cuộc đời ông: “Maradona: Giấc mơ ban phước”.

Francesc Orella là diễn viên Tây Ban Nha duy nhất tham gia sản xuất và đóng vai chủ tịch Josep Luis Nunez (1978-2000). Vị minh tinh 64 tuổi này đã có một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất sự nghiệp diễn xuất đồ sộ của ông.

Hai tập trong series này (tập 4 và tập 5) diễn ra tại Barcelona, một trong những địa điểm gắn bó sâu sắc với Maradona. Đạo diễn Roger Gual lập tức nhớ đến Orella khi tìm kiếm người vào vai cố chủ tịch Nunez. Lý do rất đơn giản, Orella không chỉ tài năng mà còn có rất nhiều kinh nghiệm vào vai các nhân vật có thật.

Quan trọng không kém, Orella là một cule chính hiệu và biết rõ con người Nunez, người nắm quyền chủ tịch Barcelona trong suốt 22 năm, từ năm 1978 đến năm 2000. Đó là mẫu lãnh đạo cá tính, nhưng cũng độc đoán và nhiều mưu mẹo.

Diễn viên Francesc Orella, đóng vai chủ tịch Luis Nunez trong bộ phim về Maradona


“Nunez là người rất nổi tiếng ở Catalonia. Rất nhiều người bắt chước và sao chép ông ấy, cho nên không dễ dàng để tôi nhập vai. Ngoài ra, Nunez có một số mẹo và cách nói chuyện rất riêng. Tôi đã phải ghi chú từng chút một và xem lại tất cả các video của ông ấy, từ họp báo cho đến tham gia các sự kiện… Tôi đã đắm mình vào vai một chủ tịch Barcelona thực thụ”, Orella nhớ lại trên El Confidencial.

Bước ngoặt quyết định từ một nhà báo


Đoàn làm phim đã cung cấp cho Francesc Orella tài liệu về nhân vật, nhưng ông chỉ có thể hoàn thành vai diễn của mình nhờ một nhà báo thể thao gốc Catalonia, Domenec García. Đây là điều dễ hiểu, bởi lẽ biên kịch của bộ phim vốn là người Argentina. Có tường tận tới đâu, ông ta cũng không thể hiểu Nunez và người Catalonia bằng người bản địa.

“Nhờ sự giúp đỡ của Domenec, chúng tôi đã đưa vào phim nhiều khía cạnh hơn về cố chủ tịch Nunez và giải thích các mâu thuẫn của ông ấy rõ ràng hơn. Nếu không, những mâu thuẫn trong kịch bản gốc rất khó hiểu. Thông tin của Domenec là chìa khóa giúp nhân vật được thực tế hóa”, Orella thừa nhận.

Nunez là một nhà lãnh đạo “độc tài”. Phong cách quản lý của ông thậm chí có tên gọi riêng là “nunismo”. Tuy nhiên, cũng nhờ sự quyết đoán có phần bảo thủ, Nunez đã chèo lái Barcelona đi đúng hướng suốt 22 năm và đặt nền móng cho CLB bứt phá sau này.

Vấn đề lớn nhất với Orella không phải thể hiện cá tính của Nunez, mà làm sao để sống đúng với phong cách của nhân vật này - một nhân vật chịu nhiều tai tiếng và có cách thể hiện đáng ghét. Đặc biệt trong bộ phim, Nunez đơn giản là một gã phản diện chính hiệu vì những xung đột không thể hàn gắn với “Cậu bé vàng”.

Người duy nhất xem Maradona là “cầu thủ”


Nunez được xem là vị chủ tịch, nhà quản lý duy nhất trong cuộc đời Maradona xem ông là một “cầu thủ” bình thường như các cầu thủ khác, bất chấp ông đã phá kỷ lục chuyển nhượng thế giới để đưa Cậu bé vàng về Camp Nou. Trong mắt người Argentina, đó là sự phi lý không thể chấp nhận. Với các cule, Nunez đã phạm phải sai lầm không thể tha thứ, bất chấp các thành công của ông sau này.

Chủ tịch Luis Nunez trong ngày ký hợp đồng với Maradona vào tháng 6/1982


Còn trong mắt Orella? Nam minh tinh này cho biết Nunez ngưỡng mộ Maradona như một cầu thủ, nhưng tất cả chỉ có thể. Không tình cảm, không chút quý mến cá nhân giữa hai người, đó là lý do khiến mối quan hệ này đổ vỡ chóng vánh chỉ trong vòng 2 năm.

“Khi đó, Diego là một anh chàng 22 tuổi đến từ Argentina và mang theo khát vọng chinh phục bóng đá châu Âu. Tuy nhiên, do tuổi tác, gốc gác và lối sống khác xa nhau, anh ấy đã liên tục va chạm với chủ tịch CLB”, Orella chia sẻ.

Cả vạn CĐV đã đến sân Camp Nou đợi sẵn nhiều giờ đồng hồ để xem Maradona thi đấu trận ra mắt, nhưng Nunez thì không mấy quan tâm. Mọi chuyện trở nên tệ hơn khi Maradona liên tục ốm đau, chấn thương và nổi loạn trên sân, đỉnh điểm là vụ ẩu đả với các cầu thủ Bilbao tại trận chung kết Copa del Rey 1984.

Cuối cùng, Nunez quyết định đẩy Maradona ra đi đơn giản vì “hình ảnh cá nhân của tiền đạo này không đủ bù đắp nổi cái giá mà Barca đã trả để có anh”.

Giám đốc Barca cũng không chấp nhận Maradona

Cố chủ tịch Barca, Nunez là người quyết định bán Maradona cho Napoli. Có điều, không phải một mình ông là người mất kiên nhẫn với tiền đạo người Argentina. Sau cuộc ẩu đả tại sân Bernabeu năm 1984, một vị giám đốc điều hành của Barca thừa nhận: “Khi tôi nhìn thấy cảnh Maradona lao vào đánh nhau và tạo ra sự hỗn loạn sau đó, tôi nhận ra chúng tôi không thể tiến xa với cậu ấy”.

Nunez từng “trảm” cả Johan Cruyff

Maradona không phải “nạn nhân” duy nhất của Nunez tại Barcelona. Ngay cả “Thánh Johan” cũng bị vị cố chủ tịch này đuổi việc không thương tiếc vì bất đồng cá nhân vào năm 1996. Đáng chú ý, Johan Cruyff ở thời điểm đó là biểu tượng tưởng như bất khả xâm phạm tại Camp Nou, là người tạo ra “Dream Team” giúp Barca thống trị cả Tây Ban Nha và châu Âu.
 
Top